Thursday, December 9, 2010

Đời hôn nhân có cây đàn guitar! ( By Nhạc sĩ Quốc Bảo )

Lời bình của MìnhMỗi con người, mỗi cá nhân đều là một nốt nhạc. Biết gợi cho nốt nhạc ấy trầm hay bổng, thêm dấu lặng hay thêm một tẹo cho nó phô thì cũng tùy người viết. Đàn Guitar là dụng cụ để gãy lên những nốt nhạc đó.Giữ một bản nhạc trong hôn nhân và đánh cho đúng nốt còn khó hơn là lên rừng kiếm củi .

            

Năm 1981, ông cậu tôi lấy vợ. Đó là thời điểm vừa thoát nạn ăn độn và đời sống đã khá lên một chút, song vẫn còn rất kham khổ. Mợ tôi làm việc cho văn phòng Sở Y tế, công nhân viên nhà nước ngày tám giờ vàng ngọc; cậu tôi sĩ quan chế độ cũ vừa học tập cải tạo về, làm các công việc tay chân kiếm sống qua ngày.

Ngày ngày, cứ đúng bảy giờ tối, đôi vợ chồng son dắt tay nhau đi dạo quanh xóm rồi về căn gác nhỏ mẹ tôi nhường lại, chồng đàn vợ hát. Một xấp nhạc bản trải ra khắp mặt chiếu, Phạm Đình Chương, Đoàn Chuẩn, Trịnh Công Sơn và vô vàn những ca khúc thời danh nữa, hát hết bài nào xếp bài ấy lại, cho đến chín giờ tối thì “show tại gia” kết thúc. Ngày nào cũng vậy, trong vòng một năm son rỗi, cho đến khi đứa em họ tôi ra đời.

Chồng đàn vợ hát, đó là bí quyết giữ hạnh phúc hôn nhân của cậu mợ tôi.

Khi đã có con, cậu mợ bỏ thói quen đó để chăm sóc con. Họ cũng chật vật kiếm sống hơn. Và họ bớt hạnh phúc - tôi nói như thế với tư cách người ngoài trông vào, không biết có thực sự như vậy không - và họ khô cằn đi nhanh chóng và họ cắng đắng nhau nhiều hơn. Từ khi không còn giọng đàn tiếng hát…

Bố tôi lúc sinh thời cũng chơi ghi ta. Theo lời mẹ kể, trong cuộc sống hôn nhân cũng như cuộc sống trần thế ngắn ngủi của bố, không bao giờ thiếu tiếng đàn. Tiếng đàn lời ca gắn chắc, quyện chặt lấy tình vợ chồng. Và cây ghi ta đầu đời tôi có được, là do chú ruột tôi tặng; đấy là cây đàn song sinh với đàn của bố - hai anh em ruột rủ nhau đi mua đàn, hình như cả hai đều ý thức được tầm quan trọng của việc chồng đàn vợ hát đến mức nào. Chú thím tôi đông con, những sáu đứa, và chỉ khi đứa bé út chào đời, chú tôi mới thôi đàn địch, tặng lại cây ghi ta cũ cho tôi.

Đời hôn nhân rất cần tiếng đàn. Tôi rút được bài học từ các trường hợp trên.

Đến phiên tôi…

Tôi và người vợ cũ có tám năm tìm hiểu trước khi cưới. Tám năm đó đầy ắp tiếng đàn câu hát. Những bài hát đầu tay tôi viết, chỉ nàng biết, chỉ nàng hát, rồi cất ngăn kéo. Tôi không nhớ vì sao khi đã cưới nhau, chúng tôi không còn đàn hát cho nhau nghe nữa.

Hay tại vì thế mà chúng tôi bỏ nhau?

***

Để hôn nhân giữ được màu sắc êm đềm hạnh phúc của nó, cần tạo cho nó một đời sống giống như - nếu không muốn nói cũng chính là - thời yêu nhau.

Lúc yêu nhau, người ta tranh thủ mọi điều kiện để gặp nhau, đi chơi với nhau, có khi chẳng nói chuyện gì, chỉ cần thấy nhau. Chỉ cần có người kia ở bên.

Cưới nhau rồi, không muốn thì người kia cũng ở bên. Suốt ngày suốt đêm. Suốt đời.

Nên người ta không phải hò hẹn nữa. Người ta quên kỹ năng say đắm nhau, có khi quên cả kính trọng. Không phải ngẫu nhiên nhà văn Pháp Frédéric Beigbeder viết cuốn Tình Yêu Kéo Dài Ba Năm trong đó khái niệm tình yêu được hiểu là tình-hôn-nhân. Cưới nhau được ba năm thì không còn gì thi vị nữa. Hết. Mòn. Tắt.

Đời hôn nhân lúc nào cũng cần nuôi bằng những buổi dạo phố, những đêm đàn hát, những chiều cà phê quán xá. Đời hôn nhân buộc phải là đời tình kéo dài. Nhiều người biết điều này, nhưng rất ít người thực hiện.

Ai cũng có thể nói, ối giời thời lãng mạn bay bổng cưa cẩm nhau đã qua lâu rồi, giờ phải thực tế.

Thực tế? Là chạy như cờ lông công kiếm tiền. Là nghĩa vụ với bà con họ mạc. Là lau nhà rửa bát giặt giũ. Là thấy nhau nhiều đến phát chán trong các tình trạng chán-là-phải-lẽ, áo quần xốc xếch, đầu bù tóc rối, mặt mũi căng thẳng. Chồng thì chả còn bói đâu ra hình ảnh vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa và vợ thì như mẹ Đốp.

Tương kính như tân, trọng nhau như khách, các cụ dạy chí phải. Hậu sinh có thèm nghe lời đâu…

Chuyện sex cũng thế, khi ít thì thèm, khi “always available” thì chán. Bởi người ta nhanh chóng quen thuộc nhau, ở đây sự quen thuộc lẽ ra phải phát triển thành thân thuộc, thì lại biến tướng ra nhàm chán. Chuyện sex mà thành nghĩa vụ thì có gì nản hơn thế! Khi lòng kính trọng đã giảm, tính nặng nề của nghĩa vụ sẽ tăng. “Lạ nhau như mới cưới”, mượn câu văn Phạm Thị Hoài, là điều xa xỉ đối với hầu hết các cặp vợ chồng sau một năm chung sống.

Tình yêu hôn nhân kéo dài ba năm, theo Frédéric Beigbeder mà tôi đã nhắc ở trên kia. Năm đầu say mê, năm hai nghĩa vụ, năm cuối đay nghiến.

Đời hôn nhân phải được nuôi bằng lòng mến khách. Khách này còn đặc biệt hơn mọi khách, vì là khách của nhau suốt đời.

Đời hôn nhân phải… phải… và phải… Thôi tôi không nói nữa, vì tôi có làm được đâu!

                                                    [viết cho chuyên đề Hôn nhân, tạp chí Đẹp tháng 12/2010]



8 comments:

  1. đúng là có nhiều cái mình ko quan tâm để ý nhưng chúng đang thấm dần vào cuộc sống một cách tiêu cực mà mình ko hề biết. Đọc mà giật cả mình mẹ K ạ.

    ReplyDelete
  2. Bởi vậy mới học câu : Vợ chồng tương kính như tân.Hôn nhân đi kèm cơm gạo áo tiền nên dễ sanh ra cáu bẳn.Người vấp rồi dễ thấy rủi ro hơn mà Chị.

    ReplyDelete
  3. 10 năm qua phát hiện chồng chị ghiền đựơc nựng nịu lắm hihi

    ReplyDelete
  4. Đàn ông là một đứa bé to xác thôi mà Chị.Vậy Chị có hay nựng Ảnh không :D

    ReplyDelete
  5. Lại đây em ôm chút nè hay lại đây em hun sau khi gọi bé Tú, bé đăng tới hun rồi. hahahaa bó tay chồng.

    ReplyDelete
  6. cho nên thôi thì làm người yêu thôi, chớ thèm cưới không thì chúng mau chán em nhểy ! hehehhe

    ReplyDelete
  7. Chị nói không sai tẹo nào chị Bảy ơi.

    ReplyDelete
  8. Mình thích nhất câu" Tương kính như tân, trọng nhau như khách", thật khó để làm được điều này. Và giá như đời vợ chồng nào cũng có được cây đàn guitar thì đã không có những chuyện đau lòng. Các cặp vợ chồng trẻ có ai muốn mua đàn guitar cho cuộc sống vợ chồng mình? mua bán đàn guitar giá rẻ

    ReplyDelete